Sắp tốt nghiệp, chuẩn bị phỏng vấn xin việc ra sao?
27/01/2015 08:01 2937
Hiện tôi rất lo lắng không biết sẽ trả lời ra sao với câu hỏi về kinh nghiệm làm việc nếu được hẹn phỏng vấn, nhờ chuyên mục tư vấn giúp?
Tôi đã tạo hồ sơ online và nói rõ những điểm mạnh điểm yếu (điểm mạnh là khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, biết tiếng Hàn sơ cấp, các thành tích hoạt động xã hội nổi bật trong thời gian học ĐH; điểm yếu là chưa có kinh nghiệm thực tế…).
Sau khi cập nhật hồ sơ 1 ngày, tôi đã nhận được thư mời tuyển dụng của một công ty và họ xếp lịch phỏng vấn ngày hôm sau, tuy nhiên tôi check mail muộn nên mất cơ hội. Tôi đã email ngay lại cho nhà tuyển dụng để cảm ơn và hỏi liệu tôi còn cơ hội khác không.
Hiện tôi rất lo lắng không biết sẽ trả lời ra sao với câu hỏi về kinh nghiệm làm việc nếu được hẹn phỏng vấn, nhờ chuyên mục tư vấn giúp. Tôi có nên ứng tuyển vào các vị trí yêu cầu kinh nghiệm 2-5 năm? Với công ty Hàn Quốc, tôi nên chuẩn bị gì để phù hợp với phong cách phỏng vấn của người Hàn Quốc?
- Tư vấn của chuyên gia mạng tuyển dụng JobStreet.com: Bạn đã ứng xử thật thông minh khi gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng sau khi bỏ lỡ buổi phỏng vấn đầu tiên. Nếu có cơ hội lần thứ hai, bạn cũng đừng quá lo lắng mà hãy tự tin lên, bởi khi được mời phỏng vấn nghĩa là nhà tuyển dụng đã cho rằng bạn là ứng viên phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Chuẩn bị thật kỹ trước khi đi phỏng vấn là điều bạn cần phải làm để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Thông qua các mẩu tin quảng cáo việc làm, bạn có thể tìm hiểu về vị trí, yêu cầu và trách nhiệm công việc cũng như về công ty, quy mô, lĩnh vực và sản phẩm mà công ty đang tập trung phát triển.
Đối với một người mới ra trường, thường nhà tuyển dụng sẽ hỏi kiểm tra về kiến thức chuyên ngành, trình độ tin học, ngoại ngữ, các kỹ năng mềm và những câu hỏi về tính cách, thái độ để đánh giá xem bạn có phù hợp văn hóa công ty hay không. Hãy chú ý trả lời mỗi câu hỏi ngắn gọn trong vòng 60 giây thôi bạn nhé.
Bạn cũng nên chuẩn bị một số câu hỏi thông minh dành riêng cho nhà tuyển dụng, bởi điều đó sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được óc tư duy và sự chủ động của bạn, đồng thời giúp bạn xác định được công ty này có phù hợp với bạn hay không. Hãy tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những hiểu biết của bạn về chính công ty của họ.
Bên cạnh đó, hãy phục trang chỉnh tề, gọn gàng, chuyên nghiệp để tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng, đặc biệt là các công ty Hàn Quốc. Bạn nên cố gắng ăn mặc phù hợp nhất khi đến tham dự phỏng vấn. Đối với nữ, áo khoác và quần tây/váy là trang phục phù hợp cho một buổi phỏng vấn và nam nên mặc áo sơmi dài tay và quần tây.
Bạn nêu trong hồ sơ rằng mình có thành tích hoạt động xã hội nổi bật, nên nhà tuyển dụng sẽ muốn thấy bạn thể hiện một phong thái tự tin và chững chạc ra sao. Vì vậy bạn hãy nghĩ đến những điểm mạnh của mình khi đi phỏng vấn, bởi điều đó sẽ giúp bạn có thêm tự tin. Hãy dùng những ví dụ cụ thể để chứng minh giá trị bản thân, chẳng hạn như khi còn là sinh viên, bạn đã dẫn dắt, lãnh đạo và làm việc nhóm trong các hoạt động ngoại khóa thế nào...
Để tìm hiểu thêm về những phẩm chất nghề nghiệp cần có của một nhân viên kế toán và các bước chuẩn bị cần thiết trước một cuộc phỏng vấn, bạn có thể tham khảo các trang tư vấn việc làm hoặc tham khảo từ người thân hoặc bạn bè làm trong lĩnh vực trên.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển sinh viên mới tốt nghiệp bởi đây là đối tượng dễ đào tạo và có khả năng thích ứng với môi trường công ty cao, có nhiệt huyết và sẵn sàng chấp nhận thử thách… Tuy nhiên, họ cũng e ngại sinh viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm làm việc, cũng như xu hướng hay thay đổi công việc (chỉ ở lại công ty từ 1-2 năm)...
Vì vậy trong buổi phỏng vấn, điều quan trọng bạn cần chú ý không phải là đàm phán mức lương mà hãy thể hiện cho công ty thấy bạn là người có khả năng, chấp nhận thử thách và cam kết gắn bó lâu dài với công ty.
Hiện nay, có rất nhiều việc làm dành cho người mới tốt nghiệp. Vì vậy bạn không cần và cũng không nên ứng tuyển vào những vị trí dành cho người có kinh nghiệm từ 2-5 năm để tránh mất thời gian cho cả bạn và nhà tuyển dụng.
Chúc bạn thành công trong những buổi phỏng vấn việc làm sắp tới!
S.T