Thụy Vân đăng quang Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2008 và là gương mặt MC quen thuộc của VTV. 10 năm sau khi gắn bó với nhà đài, người đẹp quyết định thử sức với lĩnh vực kinh doanh và khai trương Peonista với mong muốn, đây sẽ trung tâm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cho "một nửa thế giới". Sau 3 năm dồn nhiều tâm huyết, Thụy Vân lần đầu tiết lộ những khó khăn, trở ngại và người đồng hành "ít biết" của cô trong giai đoạn khởi nghiệp.
Vai trò MC của CEO Chìa khóa thành công và host của Quốc gia khởi nghiệp có phải là khởi nguồn để một á hậu như chị dấn thân vào thương trường không?
Hành trình khởi nghiệp và con đường kinh doanh của mỗi người là khác nhau. Có những người ngay từ đầu đã nung nấu và đi tìm kiếm ý tưởng để kinh doanh. Còn tôi thì khởi nghiệp dựa vào đam mê. Vì là một BTV truyền hình thường xuyên lên sóng, lại là một người đẹp có danh hiệu nên dường như mọi thứ đưa mình đến con đường kinh doanh về spa làm đẹp. Xuất phát điểm của tôi không phải kinh doanh để kiếm tiền mà để được làm những thứ mình thích và phù hợp với bản thân. Khi tìm được thứ mình thực sự quan tâm để làm, tự nhiên mọi thứ không quá khó khăn.
Tất nhiên, khi dẫn chương trình CEO Chìa khóa thành công và Quốc gia khởi nghiệp, tôi hiểu được rằng để kinh doanh được không hề đơn giản. Cũng giống như ông xã tôi hay nói đùa: “Kinh doanh kiếm ra tiền còn khó hơn cả đạt giải Nobel”. Đó là một cách so sánh vui để hiểu sự sàng lọc khốc liệt của thương trường. Thực tế, có hàng nghìn người đăng kí doanh nghiệp với 2 triệu để trở thành một ông chủ, một giám đốc nhưng có bao nhiêu người sau đó 3 năm có thể tồn tại? Có lẽ không nhiều bởi con số khởi nghiệp và sau đó sạt nghiệp là rất lớn.
Hà Nội đã có hàng loạt spa làm đẹp tên tuổi, chị lấy gì để tự tin mình sẽ thành công?
Thứ nhất, tôi có thương hiệu cá nhân. Thứ hai, đó là cái lĩnh vực mà dù không làm, tôi vẫn cần và có kiến thức để hiểu và quan tâm. Thứ ba, tôi có gia đình và bạn bè hỗ trợ, tạo điều kiện.
Tất nhiên, cũng giống như nhiều người khác khi bước vào kinh doanh, những khó khăn, thử thách ban đầu rất lớn, khó có thể kể hết được. Tôi phải dành thời gian cho “đứa con” này rất nhiều, lo lắng về nhân sự, sản phẩm, dịch vụ... hay đôi khi khá đau đầu về quản trị. Ví dụ như lúc nhân sự cãi nhau, bất đồng mà tôi bận không có thời gian giải quyết, có cảm giác như đó là một trái bom nổ chậm, nếu không can thiệp ngay thì cửa hàng sẽ vỡ tung vậy.
Từng có hoa hậu chia sẻ rằng, cô ấy thất bại ngay trong thương vụ làm ăn đầu tiên chỉ vì là người đẹp, đối tác không vượt qua được định kiến “chân dài não ngắn”, chị nghĩ sao về tình huống này?
Tôi nghĩ để liệt kê số người không phải là người đẹp mà thất bại trong kinh doanh chắc sẽ còn nhiều hơn. Vậy những người đó não có “ngắn hơn” người đẹp chân dài không? (Cười) Nói vui vậy thôi, trong kinh doanh, không phụ thuộc vào việc bạn là người đẹp hay không, thành công chỉ phụ thuộc vào đầu óc, con đường đi, định hướng và ý chí quyết tâm của mỗi người.
Tất nhiên, người đẹp sẽ hay bị chú ý hơn, dễ cảm thấy áp lực hơn trước rào cản, định kiến. Khi một trong số họ không vượt qua được thì đương nhiên sẽ thất bại. Còn nếu bây giờ kể những người đẹp kinh doanh thành công, tôi nghĩ cũng không phải ít. Tôi khởi nghiệp từ một doanh nghiệp nhỏ nên ai cũng đặt niềm tin. Đó là thứ mình tự làm và tự chịu trách nhiệm, không phụ thuộc nên chẳng ai có quyền nghi ngờ hay phán xét.
Ở thời điểm khởi nghiệp, chị lấy vốn ở đâu để kinh doanh?
Tôi có nhiều công việc khác nhau và kinh doanh giống như một lĩnh vực để thử sức. Vậy nên việc bỏ ra một khoản tiền để khởi nghiệp, tôi cũng không quá đắn đo. Thêm nữa là có Ngọc Trinh (BTV, MC Ngọc Trinh VTV – PV) làm cùng, chúng tôi san sẻ đóng góp vốn cùng nhau.
Hùn vốn làm chung với đồng nghiệp, cũng chính là bạn thân, chị có tự đặt ra cho mình những quy tắc trong hợp tác kinh doanh không?
Bất cứ một mối quan hệ nào, chưa nói tới việc làm ăn kinh doanh thì niềm tin là cực kì quan trọng. Bạn cứ thử nghĩ xem, tất cả mọi thứ, nếu đã không tin nhau hay có một sự nghi ngờ dù chỉ bé xíu như con muỗi thì mọi thứ cũng có thể vỡ nát. Có lẽ đặt nền móng cho mối quan hệ của chúng tôi là niềm tin, cho nên khi xảy ra bất cứ một vấn đề gì cả hai không nghi ngờ nhau. Nhưng như bạn biết đấy, đã là kinh doanh thì mọi thứ luôn phải rõ ràng và chúng tôi có những biên bản công việc, để tránh những hiểu nhầm hay chồng chéo công việc của nhau.
Niềm tin liệu có đủ để có được một sự hợp tác thành công?
Từng tiếp xúc với rất nhiều CEO và doanh nhân thành đạt, tôi biết, niềm tin chưa phải là tất cả để có được một con đường kinh doanh thành công. Kinh doanh cần 2 yếu tố, định lượng và định tính. Định lượng là những con số trong công việc. Còn định tính là những mô tả công việc và những dự báo cho những bước triển khai cho nó.
Tôi và Trinh khi cùng bắt tay nhau làm, bên cạnh niềm tin dành cho nhau cũng cần một sự rõ ràng về cả định tính và định lượng. Tôi lấy ví dụ như thế này, cách đây 1 năm, chúng tôi đã mời một người bạn nữa tham gia quản lý cùng mình. Những tăng trưởng doanh số là con số biết nói, định lượng cho chúng tôi “Sự lựa chọn người bạn đó là đúng đắn”, còn định tính là với những mô tả và dự báo về năng lực quản trị của người bạn ấy, chúng tôi cũng nhìn thấy sự phát triển của bạn ấy trong công việc.
Chúng tôi chia sẻ quan điểm với nhau rất rõ ràng khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra và phân chia công việc, nhiệm vụ với nhau cụ thể. Tất cả vì một mục tiêu đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp hiện nay của mình.
Ngọc Trinh nổi tiếng là một BTV sắc sảo, mạnh mẽ. Làm việc với người như vậy, chị có sợ nhận phần thiệt sẽ về mình?
Không bao giờ. Trinh thông minh, quyết liệt, tôi mềm dẻo, linh hoạt, chúng tôi dường như là sự bù trừ cho nhau vậy. Quan trọng hơn là cả hai hiểu và thông cảm cho nhau. Tất nhiên, đến vợ chồng còn có lúc xô bát xô đũa, bạn bè cũng có lúc không hài lòng về đối phương. Sẽ có những việc mình cảm thấy ức chế, giận giữ nhưng quan trọng là điều đó xuất phát từ việc mình muốn tốt cho doanh nghiệp đang làm và cả hai đều lắng nghe đối phương.
Còn trong cuộc sống, dù có làm gì đi chăng nữa, cứ nghĩ cho nhau trước đi thì mọi sự đều thành. Nếu chỉ vì lợi ích của bản thân hay lúc nào cũng nghĩ đối phương xấu tính, tham lam hơn mình thì sẽ chẳng bao giờ chơi được với nhau, chứ đừng nói là làm ăn.
Tự tin như vậy nhưng hỏi thật, chị có sợ một ngày đồng tiền sẽ làm cho 2 người trở nên xa cách, từ bạn thành thù không?
Tôi không sợ vì bản thân đã chuẩn bị để không phải sợ hãi bởi chuyện ấy. Tôi luôn tâm niệm trong đầu là Ok, làm với nhau nhưng nếu có một ngày vì tiền mà xảy ra mâu thuẫn thì phải bỏ tiền để giữ lại mối quan hệ. Có thể đó là sự lựa chọn rất “phản khoa học” đối với những người làm kinh doanh. Họ sẽ thấy tôi thật buồn cười và trẻ con. Nhưng tôi từng nghe quá nhiều chuyện bạn bè làm ăn chung sau đó “tan đàn xẻ nghé” hay có những start-up tôi phỏng vấn, họ trải qua những bài học thất bại khi làm chung với bạn bè. Sau này nhìn lại, họ thấy mình đã mất nhiều hơn số tiền vốn bỏ ra, mất đi tình bạn, những mối quan hệ và cảm thấy vô cùng hối tiếc.
Sẵn sàng mất tiền để giữ lại tình bạn, có vẻ như chị vẫn đang “lùi một bước” trong mối quan hệ này?
Không, tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì tôi rin rằng Trinh cũng sẽ nghĩ như thế. Ngay từ đầu khi nói chuỵên với nhau để thành lập spa, chúng tôi đã thống nhất, đây là đứa con tinh thần chung nhưng điều quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ của 2 đứa.
Ông xã là một doanh nhân trong lĩnh vực xây dựng, khi chị bắt đầu kinh doanh, anh ấy có góp ý điều gì không?
Có chứ. Anh ấy không tham gia sâu nhưng cho tôi những lời khuyên hữu ích trong vấn đề quản trị nhân sự, định hướng kinh doanh, thu chi, khấu hao.
Chị thấy góc nhìn của đàn ông và phụ nữ trong kinh doanh khác nhau thế nào?
Đàn ông nghĩ rộng còn phụ nữ thường chi tiết. Trong ngành tôi đang theo đuổi, chi tiết rất quan trọng. Tôi có thể phải tham khảo chồng những vấn đề vĩ mô nhưng về vi mô, anh ấy không bằng tôi.
Bước đầu gặt hái được thành công trong sự nghiệp, chị có thấy tiếng nói của mình có sức nặng hơn, vị thế của mình có chỗ đứng hơn trong gia đình không?
Tôi thấy chồng mình vẫn thế, vẫn đối xử với mình trân trọng như thế, vì tôi cũng là một người phụ nữ đáng yêu mà (cười).
Tất nhiên, mọi giá trị người phụ nữ xây dựng xung quanh bản thân mình mà không gây ảnh hưởng đến gia đình, đến các mối quan hệ thì dù không thể hiện ra, bên trong sâu thẳm, chồng mình sẽ có cái nhìn rất tự hào về vợ. Tôi nhận ra điều đó qua cách ông xã nói về mình, cách anh ấy giới thiệu về vợ và công việc vợ đang làm, qua cách gia đình nhà chồng nhìn nhận về con dâu. Mặc dù anh ấy có thể nói “Vân nhà cháu bận lắm” nhưng chữ bận được phát ra với một âm thanh rất thân thương thì đó là một sự trân trọng vô hình, như sự độc lập và vất vả của mình đã được phản chiếu.
Theo chị, độc lập tài chính có ý nghĩa như thế nào đối với một phụ nữ trong xã hội hiện đại?
Tôi nghĩ nó khá quan trọng, nhưng nên hiểu độc lập ở đây theo hướng rộng, nghĩa là không phải tôi không cần tiền của anh hay là tôi có thể sự sống được. Phụ nữ nên hiểu độc lập tài chính là kể cả khi không có một nguồn viện trợ từ chồng hay từ bố mẹ thì mình vẫn có thể tự nuôi sống được bản thân. Điều đó thực sự rất quan trọng.
Khi bạn tự tin rằng dù ở hoàn cảnh nào bạn cũng có thể sống thì bạn mới truyền được sự tự tin đó cho người khác và không trở thành gánh nặng của ai cả. Tôi hoàn toàn có thể phụ thuộc vào chồng, nhưng khi tâm thế của tôi là không phụ thuộc vào anh ấy thì mối quan hệ sẽ không bị ràng buộc bởi hai chữ gánh nặng. Như thế sẽ tốt hơn.
Vì sao chị không chọn con đường đi an nhàn hơn, ví như làm tay hòm chìa khóa, đứng sau lưng quản lý tài chính cho chồng, thay vì lao vào thương trường như hiện tại?
Vì tôi là người theo chủ nghĩa an toàn. Tôi sợ rằng, khi có chuyện gì đó xảy ra, sóng gió ập đến, giả dụ như mối quan hệ rạn nứt chẳng hạn thì mình không có phương án dự phòng. Bây giờ, chuyện rạn nứt hay chia tay trong hôn nhân không còn mới. Rõ ràng là ở thời điểm hiện tại không có anh ấy hoặc anh ấy có trục trặc gì thì tôi có thể cáng đáng được mọi việc.
Có người từng khuyên tôi rằng mọi thứ luôn luôn phải chuẩn bị nhiều phương án, để mình không bao giờ bị rơi vào thế bị động. Luôn luôn nghĩ đến tình huống xấu nhất, để dù tình huống ấy xảy ra thì ít nhất tâm lý cuả mình không bị sốc. Tất nhiên nói thì hay lắm, còn những người đã rơi vào tình cảnh đó mới khó. Lúc đấy mới thấy được bản lĩnh của ai hơn ai. Nhưng khi bạn ý thức về điều đó sẽ tốt hơn là không bao giờ suy nghĩ hay tính toán đến.
Ông xã có chạnh lòng không khi chị luôn “phòng ngự” như vậy?
Anh nhà tôi là tuýp người của gia đình. Anh ấy tôn trọng gia đình tuyệt đối và muốn giữ gìn những nét đẹp truyền thống. Tôi mừng vì điều ấy.
Nhà chị thì ai là tay hòm chìa khóa trong gia đình?
Tôi.
Bí quyết quản lý tài chính của chị là gì?
Luôn luôn trao đổi, luôn luôn chia sẻ, luôn luôn ghi chép. Có thể tôi hơi bị thủ công một tý nhưng mà có ghi chép.
Chị ghi chép để nhớ lại hay để điều tiết chi tiêu?
Tôi ghi chép những chi tiêu trong gia đình để xem có tháng nào bị tiêu quá, vượt lên không, xem thu chi của mình có vấn đề gì cẩn phải thay đổi không. Nhiều người có thể ghi lại bằng điện thoại nhưng tôi thích ghi vào sổ cho chắc (cười).
Sự cẩn thận đó có phải là yếu tố để vun vén tổ ấm, giữ lửa trong hôn nhân không?
Chuyện gì cũng đều cần sự cẩn thận. Còn tôi nghĩ bí quyết giữ lửa hôn nhân nằm ở là sự thông cảm. Cảm thông và niềm tin với nhau như tôi đã chia sẻ ngay từ đầu.
Chứ không phải sắc đẹp à?
Không. Tôi vẫn nói với ông xã rằng ai rồi cũng sẽ già. Hôm trước, anh ấy hỏi tôi “Em bao nhiêu tuổi rồi”, tôi bảo “Em á, em 32”, “32 đâu mà 32, em 34 tuổi rồi đấy”. Tôi trách ngay là ai bảo anh ấy cộng thêm tuổi mụ vào và không quên nhắc nhở: “Anh yên tâm, em mà già thì anh còn già hơn em rất nhiều đấy. Ông xã tôi thì không bao giờ nói, nhưng tôi cứ hay trêu anh ấy vậy. Không biết với mọi người thì sao, chứ với tôi, động lực để sống và làm việc chính là gia đình. Và thứ giúp mình, làm kim chỉ nam cho hạnh phúc chính là sự cảm thông, tin tưởng và sẻ chia.
Sáng ngày 06/11/2024, Trung tâm Dịch vụ, Hợp tác Doanh nghiệp và Khởi nghiệp, trường ĐH Thủ Dầu Một đã phối hợp với Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam tổ chức khóa đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên tham gia Cuộc thi TDMU Entrepreneurship Competition 2024 – TEC2024.
Từ ngày 9 đến 11/10/2024, Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn - Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam đã tổ chức thành công khóa đào tạo khởi nghiệp kinh doanh cơ bản dành cho sinh viên. Khóa học đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các bạn trẻ, mang đến những kiến thức và kỹ năng thiết thực để khởi đầu hành trình khởi nghiệp.
Chương trình giao lưu “Khởi nghiệp – Từ tư duy đến thành công” và phát động Cuộc thi sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một với ý tưởng khởi nghiệp TEC2024 do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam (Hội đồng TVHTKNQG phía Nam), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Ngày 27/09/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam (Hội đồng TVHTKNQG phía Nam), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Chương trình giao lưu doanh nhân – sinh viên với chủ đề “Khởi nghiệp – Từ tư duy đến thành công” và phát động Cuộc thi sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một với ý tưởng khởi nghiệp TEC2024.