Tham dự chương trình, về phía Hội đồng TVHTKNQG phía Nam có ông Nguyễn Thanh Vạn - Chủ tịch Thường trực, bà Nguyễn Thị Trâm Anh - Ủy viên, ông Lê Duy Đồng - Ủy viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Ủy viên, ông Nguyễn Lê Kha - Ủy viên, cùng các doanh nhân có đồng hành cùng trường trong các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, ThS. Trương Thị Thủy Tiên – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hợp tác Doanh nghiệp và Khởi nghiệp, đại diện lãnh đạo các đơn vị, cùng hơn 500 bạn sinh viên quan tâm.
Chủ động chuẩn bị hành trang khởi nghiệp ngay từ giảng đường
Nằm trong chuỗi các hoạt động đồng hành cùng sinh viên trên con đường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đây là lần thứ VIII sự kiện được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Chương trình còn là hoạt động được trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức thường niên nhằm tạo diễn đàn giúp sinh viên kết nối, giao lưu, lắng nghe những chia sẻ từ phía các doanh nhân về những kỳ vọng, cũng như những khó khăn, rủi ro khi khởi nghiệp. Qua đó, sinh viên tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng và góp nhặt hành trang chuẩn bị cho hành trình lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp ngay từ giảng đường đại học.
Phát biểu tại chương trình, TS. Đoàn Ngọc Xuân nhấn mạnh, năm 2025 là cột mốc đặc biệt quan trọng với nhiều sự kiện ý nghĩa của đất nước. Đây là năm kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; năm đánh dấu những chuyển biến mạnh mẽ trong hành trình phát triển của dân tộc; là thời điểm thực hiện Nghị quyết 57/NQ-TW về đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời triển khai Nghị quyết 137-KL/TUW ngày 38/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong bối cảnh ấy, trường Đại học Thủ Dầu Một xác định sẽ triển khai nhiều chiến lược phát triển toàn diện trong năm 2025, tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đặc biệt chú trọng mở rộng hợp tác doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, TS. Đoàn Ngọc Xuân khẳng định rằng khởi nghiệp không phải là con đường dễ dàng. Đó là hành trình đòi hỏi người trẻ phải có quyết tâm, đam mê, lòng kiên trì và tinh thần đổi mới. Các bạn sinh viên cần phát triển tư duy sáng tạo, vượt qua giới hạn bản thân, sẵn sàng đối mặt và học hỏi từ thất bại. TS. Đoàn Ngọc Xuân khuyến khích sinh viên tận dụng cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nhân, doanh nghiệp, từ đó định hướng đúng đắn con đường đi cho bản thân, xác định những kỹ năng cần trau dồi và chuẩn bị hành trang vững vàng để khởi nghiệp thành công và hạnh phúc trong tương lai.
Trao đổi về chương trình “Hành trình khởi nghiệp và phát triển bền vững” ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch HĐTV&HTKN phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần S-Furniture cho biết, chương trình là một trong những hoạt động cộng đồng được Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam đồng hành hỗ trợ sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng nghiệp, kết nối doanh nghiệp. Tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, Hội đồng Tư vấn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giao lưu, kết nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân và sinh viên, đi vào chiều sâu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các dự án. Đồng thời chú trọng phát triển các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tình nguyện vì cộng đồng. Dành lời khuyên cho các bạn sinh viên, ông Huỳnh Thanh Vạn mong muốn, các bạn sinh viên nên tranh thủ thời gian khi còn ngồi trên giảng đường để trau dồi kiến thức, kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm từ đội ngũ doanh nhân, thầy cô để nắm bắt những cơ hội khởi nghiệp. “Việc chủ động tiếp cận thực tiễn ngay từ khi còn học đại học không chỉ giúp sinh viên định hình rõ hơn con đường nghề nghiệp, mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển các ý tưởng sáng tạo, tự tin bước vào môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh sau này” – ông Huỳnh Thanh Vạn nhấn mạnh.
Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững
Trong nhiều năm qua, Hội đồng TVHTKNQG phía Nam đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho sinh viên về đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực, cấp quốc gia,… Đặc biệt, các chương trình giao lưu cùng doanh nhân được tổ chức định kỳ hàng năm đã truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, và ươm mầm khát vọng doanh nhân trong sinh viên. Tiếp nối chuỗi giá trị đó, tại chương trình lần này, các diễn giả - doanh nhân đã chia sẻ những trải nghiệm, kiến thức và kinh nghiệm được đúc kết trên hành trình khởi nghiệp của mình. Đó là những bài học thực tiễn trong việc lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, xây dựng thương hiệu, marketing, quản trị nhân lực, quản trị tài chính, quản lý rủi ro,…
Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, doanh nhân Lê Duy Đồng – Giám đốc Công ty TNHH Version chia sẻ, khởi nghiệp không chỉ là hành trình thử sức, mà còn là một sứ mệnh cần theo đuổi đến cùng. Vì vậy, các bạn trẻ không nên xem khởi nghiệp như một phép thử, mà cần xác định tinh thần dấn thân thực sự, xây dựng lộ trình rõ ràng và tạo ra những giá trị lớn cho cộng đồng. Để làm được điều đó, người khởi nghiệp cần bắt đầu từ việc xác định ý tưởng kinh doanh cụ thể, khả thi và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, phải lựa chọn con đường phát triển phù hợp với thế mạnh, đam mê và nguồn lực của bản thân. Khi đã có định hướng rõ ràng, mỗi bước đi trong hành trình khởi nghiệp sẽ trở nên vững chắc và hiệu quả hơn.
Trả lời những băn khoăn của các bạn trẻ về việc khởi nghiệp khi không có nhiều vốn trong tay, ông Nguyễn Lê Kha – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xích Ma chia sẻ, các bạn chỉ có rất ít nguồn lực, bước đầu tiên cần làm không phải là lo lắng về vốn, mà là tập trung xác định rõ ý tưởng kinh doanh, thị trường mục tiêu và giá trị cốt lõi mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại. Diễn giả nhấn mạnh, khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng một khoản đầu tư lớn. Điều quan trọng là phải tư duy tinh gọn, biết tận dụng những gì mình đang có, xây dựng mô hình kinh doanh nhỏ gọn nhưng hiệu quả. Bên cạnh đó, một yếu tố then chốt mà người trẻ thường bỏ qua là khả năng quản trị rủi ro. Theo ông Lê Kha, khởi nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều biến động, và chỉ khi người sáng lập biết lường trước các kịch bản xấu, chuẩn bị phương án ứng phó linh hoạt, thì mới có thể duy trì sự ổn định và phát triển bền vững. “Khởi nghiệp ít vốn” không phải là bất lợi, mà là cơ hội để học cách tối ưu nguồn lực, phát triển tư duy chiến lược và hình thành bản lĩnh doanh nhân từ sớm.
Vậy thời điểm nào là thích hợp để bắt đầu khởi nghiệp? ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á – cho rằng, chính khi còn ngồi trên ghế nhà trường là lúc lý tưởng để bắt đầu khởi nghiệp. Bởi lẽ, các bạn sinh viên ngày nay đang có rất nhiều thuận lợi, đó là được tham gia các khóa đào tạo khởi nghiệp, được giao lưu, học hỏi từ các doanh nhân đi trước, và đặc biệt là có thời gian để trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cũng như trải nghiệm thực tế. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, việc bắt đầu sớm sẽ giúp các bạn trẻ hình thành tư duy kinh doanh, rèn luyện bản lĩnh, và tích lũy kinh nghiệm quý báu để từng bước xây dựng sự nghiệp lâu dài sau này. Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, khởi nghiệp khi bạn đã có đủ kinh nghiệm, hoặc khi bạn cảm thấy sẵn sàng và sở hữu một ý tưởng khả thi thì cả hai thời điểm đều quan trọng như nhau. Bởi vì yếu tố quyết định không nằm ở việc bắt đầu sớm hay muộn, mà là ở sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thái độ nghiêm túc và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, người khởi nghiệp cũng cần không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân và chủ động thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Để khởi nghiệp thành công và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nhân Nguyễn Thanh Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cẩm Sa nhấn mạnh, hành trang của sinh viên không thể thiếu kiến thức chuyên môn, nhưng cũng cần được bồi đắp bởi kỹ năng, tư duy và bản lĩnh khởi nghiệp. Đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Bình gợi ý sinh viên nên tìm đọc những cuốn sách về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản trị doanh nghiệp – đây là những nền tảng quan trọng giúp người trẻ định hình tư duy điều hành và xây dựng đội ngũ hiệu quả. Trong đó, cuốn “31 kỹ năng người học từ Đại học Harvard” được ông đề xuất như một tài liệu hữu ích, giúp mở rộng tư duy và nâng cao năng lực cá nhân trong môi trường kinh doanh hiện đại. Diễn giả cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững, người khởi nghiệp cần linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo (AI) vào mô hình kinh doanh. Việc theo kịp xu hướng công nghệ không chỉ giúp tối ưu vận hành mà còn tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài trên thị trường.
Dành phần lớn thời gian để trao đổi cùng sinh viên xoay quanh chủ đề “Làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong một doanh nghiệp khởi nghiệp”, các diễn giả đồng thuận cho rằng đây là một trong những câu hỏi lớn mà không ít doanh nhân từng phải đối mặt – đặc biệt là khi đứng trước bài toán mở rộng quy mô nhưng vẫn muốn giữ vững giá trị cốt lõi và sự ổn định dài hạn. Theo các diễn giả, để cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng và sự phát triển bền vững, yếu tố then chốt chính là năng lực đổi mới sáng tạo. Một doanh nghiệp khởi nghiệp không thể đi xa nếu chỉ tập trung tăng trưởng doanh số mà bỏ qua nền tảng về con người, quy trình và giá trị lâu dài. Ngược lại, nếu quá thận trọng và thiếu linh hoạt, doanh nghiệp sẽ dễ bị chậm nhịp trong một thị trường thay đổi liên tục. Vì vậy, người khởi nghiệp cần biết cách ứng dụng sáng tạo trong mô hình kinh doanh, sản phẩm, phương thức vận hành và chiến lược phát triển. Bên cạnh đó, việc xây dựng một đội ngũ có tinh thần đổi mới, sẵn sàng học hỏi và thích nghi là yếu tố không thể thiếu để vừa tăng trưởng mạnh mẽ, vừa giữ vững được sự phát triển bền vững về lâu dài.
Phát biểu tổng kết chương trình, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn Hội đồng TVHTKNQG phía Nam cùng các doanh nhân đã tham gia và hỗ trợ tích cực trong các chương trình khởi nghiệp của trường. TS. Đoàn Ngọc Xuân bày tỏ mong muốn các chương trình khởi nghiệp năm 2025 sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài lực, vật lực và các nguồn lực khác từ quý doanh nhân, doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp ươm mầm và phát triển thế hệ trẻ của nhà trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững và sáng tạo trong tương lai.
Sáng ngày 17/4/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng với Hội đồng TVHTKNQG phía Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Chương trình giao lưu doanh nhân – sinh viên
TS. Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng phát biểu tại chương trình
Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch Hội đồng TVHTKNQG phía Nam phát biểu nêu bật ý nghĩa của chương trình "Hành trình khởi nghiệp và phát triển bền vững"
Các thành viên Hội đồng TVHTKNQG phía Nam, cùng các doanh nhân đã dành thời gian trao đổi với sinh viên về chủ đề của chương tringh giao lưu
Chương trình đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của hơn 500 sinh viên
TS. Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng trao thư cảm ơn sự tham gia của các thành viên Hội đồng TVHTKNQG phía Nam, cùng các doanh nhân
BBT
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam.
Trung tâm Dịch vụ, hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp triển khai thông báo cho thuê lễ phục tham dự Lễ Tốt nghiệp lần 1 năm 2024
Sáng ngày 26/07/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức hội nghị Công bố quyết định thành lập các đơn vị thuộc, trực thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một theo Nghị quyết số 26 của Hội đồng trường và trao quyết định công tác cán bộ.
Ngày 18/07/2024, Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Thủ Dầu Một đã công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào đại học chính quy năm 2024. Mức điểm dao động từ 15 điểm đến 18 điểm.