Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng đã gửi lời cảm ơn và biểu dương sự đồng hành hành của các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tuyển dụng, hướng dẫn sinh viên thực tập. TS nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển trở thành trường đại học trọng điểm của tỉnh Bình Dương, Lãnh đạo Nhà trường luôn chú trọng đặt tiêu chí chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Vì vậy, việc tiến hành lấy ý kiến phản hồi của các tổ chức, doanh nghiệp, cựu sinh viên và phụ huynh nhằm phản ánh trung thực chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Nhà trường. Đây là cơ hội để Nhà trường ghi nhận những những ý kiến đóng góp để từ đó có hướng điều chỉnh, cải tiến và cập nhật nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay.
Trong khuôn khổ buổi gặp gỡ, các nhà doanh nghiệp, cựu sinh viên và phụ huynh đã thẳng thắn chia sẻ, đóng góp ý kiến với Nhà trường những vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng xã hội, năng lực ngoại ngữ, tin học cho sinh viên. Ông Nguyễn Luân Thanh Trúc – Tổ trưởng tổ kinh doanh phần mềm, Trung tâm CNTT VNPT Bình Dương cho biết, hiện nay Trung tâm có ít nhất 5 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT của Trường làm việc. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, bây giờ các bạn đang làm rất tốt công việc của mình, thậm chí có bạn đã đủ khả năng quản lý riêng một địa bàn. Đó là tín hiệu đáng mừng vì trước đó, Trung tâm chỉ tuyển được SV tốt nghiệp từ các trường ở thành phố, nhưng vài năm gần đây, lớp SV mới ra trường của ĐH Thủ Dầu Một đã đáp ứng tốt đòi hỏi của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Trí – Tổng Giám đốc công ty TNHH Kiểm toán Win Win kiến nghị, đối với chương trình đào tạo cử nhân ngành kế toán kiểm toán, Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các nhà tuyển dụng, xây dựng nội dung chương trình đào tạo có sự tham khảo từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhằm cải tiến chương trình đào phù hợp với nhu cầu thực tế; mở thêm các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Ngoài ra, các khoa cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm bổ sung và cập nhật các kiến thức mới nhất trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng.
Đúc kết từ thực tiễn của quá trình sử dụng lao động từ phía nhà tuyển dụng, các ý kiến tại buổi họp cho rằng, cần phải nâng cao kỹ năng xã hội, năng lực ngoại ngữ, tin học cho sinh viên trong suốt quá trình đào tạo; đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm phục vụ cho học tập, nghiên cứu giúp sinh viên trang bị các kiến thức, kỹ năng vững vàng, và thật sự có bản lĩnh khi ra trường. Đối với sinh viên khối ngành sư phạm, Ban Giám hiệu các Trường Tiểu học, THCS, THPT mong muốn SV phải linh hoạt hơn nữa trong phương pháp giảng dạy và trong việc nắm bắt tâm lý cũng như ứng xử với học trò.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, TS. Ngô Hồng Điệp đã ghi nhận và tiếp thu những đánh giá, góp ý của các nhà doanh nghiệp, cựu sinh viên và phụ huynh về những mặt còn tồn tại trong quá trình đào tạo. Đồng thời TS khẳng định, Nhà trường sẽ chủ động đề xuất những giải pháp điều chỉnh dịp thời nhằm đảm vảo chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín của Trường trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Dịp này, Trường đã công bố quyết định thành lập Ban liên lạc Cựu Sinh viên nhằm tạo kênh thông tin liên lạc hai chiều giữa Nhà trường và cựu sinh viên, tạo sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa các thế hệ sinh viên qua các thời kỳ, góp phần xây dựng và phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà trường.
Ý kiến đóng tại buổi họp mặt giúp Nhà trường điều chỉnh, cải tiến và cập nhật nội dung chương trình đào tạo,
phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu thực tiễn
TS. Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng phát biểu tại buổi họp mặt
ThS. Trần Văn Hai - Hiệu trưởng Trường THPT Dĩ An đóng góp ý kiến tại buổi họp mặt
Ông Nguyễn Luân Thanh Trúc – Tổ trưởng tổ kinh doanh phần mềm, Trung tâm CNTT VNPT Bình Dương phát biểu tại buổi họp mặt